Các bài Blog

Friday, December 7, 2012

Nghe Trịnh - Nhớ Nam Cao


Mấy ngày này mọi người nhắc nhiều về nhạc Trịnh, người ta nói về sự ra đi của người nghệ sĩ ấy với niềm tiếc thương một tài năng lớn. Một chút chạnh lòng, tôi nghĩ tới Nam Cao- người nghệ sĩ trong tôi.



Tôi yêu văn Nam Cao, yêu từ những trang đầu trong Lão Hạc đã được học ngày lớp 8. Thế rồi như một sự thu hút đặc biệt, tôi lần đọc cái kho truyện không hề nhỏ của ông: Đời thừa, Trăng Sáng, Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó, Sống mòn, Cách mạng, v v…Triết lí trong văn Nam Cao khiến mỗi lần đọc lại tôi không khỏi giật mình thán phục : “Những người đã khổ nhiều rồi thì người ta cũng muốn người khác khổ”, “Phải lấy thằng đầu bò mà trị kẻ đầu bò”, …Rồi niềm vui trong văn Nam Cao cũng thật trong trẻo ngọt ngào, đó là nụ cười của anh Hộ khi nghĩ tới niềm vui của các con trong Đời Thừa, là cách người ta chuẩn bị đón chàng rể trong Chàng rể, là cái cười vô duyên nhưng đầy tình tứ của Thị Nở đối với Chí Phèo…Rồi ở Văn Nam Cao, giá trị của con người được đặt lên cao nhất : Lão Hạc dù nghèo mà vẫn quyết định ăn bã để giữ lấy danh dự và tiền cho con cưới vợ, hơi ấm của yêu thương tỏa ra từ bát cháo hành Thị Nở- kẻ bị ruồng bỏ vì ngây ngô, Chí Phèo đòi quyền làm người- đòi lương thiện….Sự trân trọng con người vàgiọng văn tài hoa khiến Nam Cao để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi

Một lần, tình cờ tôi nghe nhạc Trịnh.

Bỗng giật mình khi thấy điểm giống nhau ở hai tâm hồn nghệ sỹ ấy. Dĩ nhiên, tôi chỉ là độc giả và thính giả của cả hai, tôi cảm nhận bằng cách nhìn của người ngoài cuộc.


Nhạc Trịnh, đấy là những lo lắng, băn khoăn mơ hồ về kiếp người nhỏ bé được ủ thêm tâm trạng cô đơn. Nhạc Trịnh là cách yêu của những kẻ dễ trở nên khờ khạo trong mắt người đời .Đó lại cũng là sự lạc quan để tỏa ra tình yêu lớn- cho Tổ quốc, bốn phương, nhân loại, muôn loài .Thực ra phía sau tất cả những cảm xúc ấy là khát vọng của một kẻ muốn sức mình to lớn hơn, muốn ôm trọn cuộc đời bằng tình yêu và biến kiếp người của mình trở thành sự tồn tại vĩnh hằng.Tiếc thay, những mong muốn ấy sẽ mãi là mong muốn, bởi vậy nên người nghệ sỹ dần tìm đến cõi thiền như chốn trú chân để ước mong của mình không tắt nguội.

Tôi hiểu tại sao người ta yêu nhạc Trịnh .Vì giai điệu dễ nghe, dễ thuộc là một lẽ, mà quan trọng hơn là tìm đến thứ âm nhạc ấy, người ta thanh thản cõi lòng .Ai chẳng muốn kiếp người của mình không chỉ dừng lại ở những điều nhỏ nhặt, ai chẳng mong được mang yêu thương rải khắp muôn loài, ai chẳng yêu cuộc sống cần có một tấm lòng, để rồi yêu thương được gió cuốn đi.Người ta thấy sự đồng điệu trong hồn nhạc Trịnh, thì người ta thích.

Nghe nhạc Trịnh, bắt gặp Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Một cõi đi về, xin trả nợ người….thì đọc văn Nam Cao tôi cũng thấy những tâm sự tương tự ở Sống mòn, Đời thừa…Văn Nam Cao viết vào giai đoạn khác,hoàn cảnh  khác, nhưng rồi các tác phẩm Người viết ra đều quan tâm tới chữ “SỐNG” như cách mà nhạc sĩ họ Trịnh quan tâm.

Cái Trịnh mang đến cho đời là những trăn trở về kiếp người, là cách yêu của kẻ lãng tử kiêu bạc thì đọc Nam Cao lại cũng gặp cách yêu của anh Hộ với cô vợ từng bị người ta ruồng bỏ- cách yêu của những kẻ khờ.Nhạc Trịnh có những bài vui , Em là bông hồng nhỏ, Nối vòng tay lớn, Ra đồng giữa ngọ, Bống không là bống…thì trong văn Nam Cao ở cái thời sau cách mạng, sự lạc quan ấy cũng ngập trong những trang của Cách mạng ,v v...như minh chứng cho tâm hồn lạc quan của nhà văn .

 Nhưng người đời nhiều người nhớ tới Trịnh Công Sơn hơn Nam cao. Bởi Nam Cao viết văn, sẽ cần phải có thời gian và sở thích thì mới đọc. Người taỉ có thể mang nhạc Trịnh lên sân khấu lớn để mà truyền tai cho nhau về tác giả, để rồi phải biết vì ai cũng biết .Trong khi đó, mang văn Nam Cao đi đâu là điều thật khó quyết định trong hoàn cảnh hiện nay .Nếu đọc Nam Cao mà không có tấm lòng thực sự thì chẳng khác gì một nồi canh không muối, sẽ chẳng thể càm nhận được gì .
Mà rồi, tôi lại nghĩ tới chuyện người Việt Nam  thường theo trào lưu làm gì đó .Người ta có trào lưu nghe nhạc Trịnh, nhạc Micheal Jackson, có trào lưu xem phim Hàn Quốc….chứ nào đã có trào lưu đọc văn Nam Cao.

Làm nhà văn, nghĩa là trong hàng ngàn cuốn sách, anh phải đợi sự tình cờ cầm lên của độc giả chứ không thể mở ầm ĩ và bắt họ nghe như âm nhạc .

Làm nhà văn là sẽ lặng đi so với ngành nghề khác.

Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn và một chút chạnh lòng cho người nghệ sỹ tài hoa mà tôi ngưỡng mộ. Yêu thương sẽ mãi cùng chúng ta đi trọn kiếp này, sống hết mình với cuộc đời và cõi vĩnh hằng là nơi để tất cả yêu thương trở về đoàn tụ……

Friday, April 1, 2011 at 12:56pm

1 comment:

  1. Thật là một tấm lòng đáng quý Lý ạ. Mình cũng thích Nam Cao và Trịnh Công Sơn nhưng đúng là người ta thường nhắc tới Trịnh nhiều hơn. Cũng vì một lẽ là âm nhạc dễ tới với công chúng hơn, những câu hát mang đậm triết lý sẽ được người đời nhớ lâu hơn. Trong khi đó, người ta không thể nhớ hết những câu nói của Nam Cao. Có chăng người ta nhớ được Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, anh giáo, hay nhớ tên tác phẩm là vinh dự lắm rồi.
    Là nghệ sĩ, nhà văn thì ai cũng mang trong mình một nỗi trăn trở, đau đáu với đời. Đó mới chính là những người nghệ sĩ, những nhà văn thực thụ.
    Nói thật, bản thân mình thích cả hai người nhưng mỗi lần buồn lại buột miệng hát nhạc Trịnh chứ k đọc văn Nam Cao( ngày trưowcs thi thoảng cũng có nói cái câu "Chao ôi, buồn" - Chí Phèo).
    Hy vọng Lý sẽ có thêm nhiều bài chia sẻ về cách nhìn, cách cảm về cuộc sống, về con người để mình đọc với nhé. Cảm ơn Lý rất nhiều!

    ReplyDelete